Giỏ hàng

Không lo thực đơn ngày Phật Đản với 15 món ăn chay này

Để chuẩn bị cho Đại lễ Vesak đang gần đến, bên cạnh việc vệ sinh, trang hoàng nhà cửa thì có lẽ việc lên một thực đơn cơm chay là điều không thể thiếu. Xem bài viết để nắm nay thực đơn ngày Phật Đản với 20 món nhé!

Thực đơn ngày Phật Đản
Mâm cơm chay vừa ngon, vừa bổ dưỡng – Sưu tầm

1. Xôi ngũ sắc

Xôi là một món không thể thiếu trong những dịp đặc biệt, nó không chỉ ngon mà còn là một món ăn đặc trưng cho nền nông nghiệp lúa nước. Nếu như những loại xôi bình thường không đủ hấp dẫn thì có ngay món xôi ngũ sắc nhìn là muốn thử ngay. Xôi có thể ăn kèm cùng với muối lạc vừng hoặc muối mè để thêm hấp dẫn hơn.

image001 2578 1579575639
Xôi ngũ sắc – Sưu tầm

Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • Gạo nếp 1 kg
  • Nước cốt dừa 200 ml
  • Nước cốt lá dứa 2 muỗng canh
  • Nước cốt nghệ tươi 2 muỗng canh
  • Cơm gấc 2 muỗng canh
  • Rượu trắng 1 muỗng canh
  • Muối mè 1 ít
  • Đường 3 muỗng canh
  • Muối 1/2 muỗng cà phê

Công thức chế biến

Bước 1: Vo sạch gạo nếp 2 - 3 lần nước, rồi ngâm trong 6 tiếng hoặc qua đêm cho gạo nếp nở ra, tiếp đó vớt gạo ra để ráo.
Bước 2: Để nếp lên màu đẹp, bạn lấy cơm gấc trộn đều với 1 muỗng canh rượu trắng. Chia phần gạo nếp đã ngâm làm 5 phần bằng nhau. Cho lần lượt mỗi phần ngâm riêng với 2 muỗng canh nước cốt lá cẩm, 2 muỗng canh nước cốt lá dứa, 2 muỗng canh nước cốt dành dành, cơm nếp. Còn 1 phần ngâm với nước lạnh để thu màu tự nhiên của nếp, ngâm trong khoảng 2 giờ.
Bước 3:  Cho vào tô 200ml nước cốt dừa, 3 muỗng canh đường, 1/2 muỗng cà phê muối, trộn đều. Sau khi ngâm, cho gạo nếp vào xửng hấp, chia ranh giới giữa các màu bằng giấy nến. Bắc nồi lên bếp mở lửa vừa, thêm 1 lít nước nấu sôi, cho xửng hấp lên, đậy nắp và hấp 30 - 40 phút, cứ sau mỗi 10 phút bạn mở nắp, dùng khăn khô lau hơi nước trên nắp. Tiếp đó bạn mở nắp chan đều hỗn hợp nước cốt dừa lên mặt xôi, xới đều lên, hấp thêm 1 - 2 phút nữa là được.
Bước 4:  Xôi ngũ sắc rất bắt mắt và hấp dẫn, xôi mềm dẻo, thấm vị beo béo của cốt dừa rất ngon. Bạn có thể ăn kèm xôi ngũ sắc ăn với muối mè đường hoặc muối lạc vừng. 

2. Nem rán chay

Nem rán cũng là một món được nhiều gia đình lựa chọn trong những dịp lễ bởi nó vừa ngon, vừa nhiều chất dinh dưỡng lại không mất nhiều thời gian chuẩn bị.

cha gio chay 2
Nem rán chay – Sưu tầm

Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • Cà rốt, củ đậu, hành tây, hành hoa, giá đỗ, đậu phụ.
  • Mộc nhĩ, nấm hương.
  • Thực phẩm khô: miến dong, bánh đa nem.
  • Gia vị: dầu ăn, đường, mỳ chính, tiêu, chanh

Công thức chế biến

Bước 1: Các loại rau: cà rốt, củ đậu, hành tây gọt vỏ, rửa sạch, để ráo thái chỉ, cắt nhỏ.
Bước 2: Nấm hương, mộc nhĩ ngâm qua nước ấm cho nở, cắt chân, rửa sạch để ráo băm nhỏ.
Bước 3: Miến dong trần qua nước sôi rồi nhúng vào nước lạnh, vớt ra để ráo, cắt nhỏ.
Bước 4: Đậu phụ bóp nhỏ trộn cùng cà rốt, củ đậu, hành tây, nấm hương, mộc nhĩ, cùng miến dong băm nhỏ, nêm tiêu, mỳ chính cho vừa (chú ý với món nem không nên tra muối vì bánh đa đã có vị mặn).
Bước 5: Bánh đa vuông cắt đôi, trải bánh ra khay cho nhân rau vào giữa gói tròn dài từ 3cm đến 4cm.
Bước 6: Đặt chảo dầu đun nóng thả nem vào rán nhỏ lửa đảo nhẹ tay để vỏ cứng chuyển màu vàng rơm là được.
Bước 7: Bày nem vào đĩa trang trí hài hòa đẹp mắt với rau củ.

3. Gỏi ngó sen chay

Với tiết trời mùa hè thì còn gì tuyệt vời hơn là những món gỏi hoặc món nộm. Một chút chua, một chút cay, một chút ngọt, một chút mặn, tất cả hào quyện tạo ra hương vị rất “quyến rũ”.

Gỏi ngó sen chay – Sưu tầm

Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • Ngó sen
  • Cà rốt
  • Xà lách
  • Tôm chay
  • Tỏi, ớt, tắc và ngò rí
  • Gia vị: Hạt nêm chay, đường, nước mắm chay

Công thức chế biến

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu 
Nguyên liệu mua về rửa sạch nhiều lần với nước. Đối với ngó sen bào mỏng, cho vào một tô nước đá có vắt thêm tắc ngâm trong 20 phút. Tôm chay luộc sơ với nước 10 phút, sau đó rửa lại thật sạch. Xà lách, ngò rí cắt khúc. Tỏi ớt băm nhuyễn còn hành lá cắt nhỏ.
Bước 2: Pha nước sốt
Cho một ít dầu vào chảo, chờ dầu sôi cho hành lá vào phi thơm. Sau đó cho thêm nước mắm chay, đường vào cùng đến khi đường chảy ra hết thì cho ra bát vào cho tỏi ớt vào. 
Bước 3: Xào tôm
Tôm cho vào chảo xào săn, cho thêm một ít hạt nêm để thêm đậm đà
Bước 4: Trộn gỏi
Cho tất cả các nguyên liệu đã chuẩn bị vào một cái tô lớn, đổ nước sốt sau đó dùng đũa hoặc tay để trộn đều cho gia vị thấm kỹ
Bước 5: Pha nước chấm dùng kèm 
Cho một ít nước cốt tắc, nước mắm chay, tỏi, ớt và đường vào một bát nhỏ và khuấy đều. Bạn có thể nêm nếm gia vị theo khẩu vị của mình và gia đình
Bước 6: Trình bày
Đưa gỏi đã trộn ra đĩa và trình bày cùng lá sen hoặc cánh hoa sen thêm đẹp mắt.

4. Bánh bao kim sa chay

Sự ngọt ngào của bánh bao kim sa sẽ giúp hài hòa cho thực đơn này cũng tạo ra sự đa dạng cho hương vị.

banh bao kim sa 3 600x338 1
Bánh bao kim sa – Sưu tầm

Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • Trứng muối
  • Sữa đặc
  • Sữa bột
  • Nước cốt dừa
  • Bơ nhạt
  • Bột bánh bao Mikko loại 500g có sẵn men
  • Sữa tươi

Công thức chế biến

Bước 1: Làm nhân bánh bao
Trứng muối bạn đem hấp chín rồi để nguội, sau đó nghiền nát trứng ra. Cho thêm sữa đặc, sữa bột, nước cốt dừa vào và trộn đều lên. Bạn nên cho hỗn hợp này vào máy xay sinh tố để trộn. Như vậy hỗn hợp sẽ được nghiền nhuyễn và mịn hơn, có màu vàng óng khá bắt mắt.
Sau khi nghiền nhuyễn, cho hỗn hợp vào hộp, đậy kín lại và để vào tủ đông. Nên để hỗn hợp nhân qua đêm, từ 12-15 tiếng.
Bước 2: Làm vỏ bánh bao 
Cho nước cốt dừa, sữa bột và sữa tươi vào, khuấy đều cho hỗn hợp tan hết, rồi đem hâm cho ấm. Sau đó cho men vào khuấy nhẹ cho tan hạt men.
Cho bột vào hỗn hợp trên và nhào trong khoảng 10 phút. Bạn không nên nhào bột quá lâu sẽ làm bánh bị cứng. Nếu nhào bị dính tay có thể cho thêm bột mì vào. Nếu cảm thấy bột khô thì cho thêm ít sữa. Bột đủ nước sẽ không bị dính tay. Sau khi nhào xong đem bọc bột lại và ủ khoảng 1 tiếng.
Bước 3: Nặn và hấp bánh bao
Bạn viên các viên bột lại thành hình cầu. Sau đó dùng cán, cán bột. Cán theo kích cỡ của nhân bánh để vỏ bánh vừa đủ bọc nhân bánh. Cho phần nhân bánh vào giữa miếng bột đã cán và nặn hình tròn cho thật kín. Bạn cũng có thể tạo hình hoa hay xoáy cho chiếc bánh, rồi cho bánh đã nặn xong vào khuôn giấy cupcake.
Sau khi nặn bánh xong, bạn đem bánh đi hấp. Đun đến khi nước sôi mới cho bánh vào hấp nhé. Chỉ cần hấp trong khoảng 10 phút là bánh chín.

5. Gỏi cuốn ngũ sắc

Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • Bánh tráng phở hoặc bánh tráng thường
  • Bún tươi
  • Tàu hũ ky
  • Rau củ: Bắp cải tím, cà rốt, dưa chuột, dứa (thơm), rau thơm
  • Ớt, tỏi, đậu phộng, chanh
  • Gia vị: hạt nêm chay, nước mắm chay, đường, dầu ăn
Gỏi cuốn ngũ sắc - Thực đơn ngày Phật Đản
Gỏi cuốn chay – Sưu tầm

Công thức chế biến

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu 
Các loại rau củ mua về rửa thật sạch với nước có pha chút muối sau đó gọt vỏ rồi thái sợi. Tàu hũ rán giòn rồi cũng thái sợi để dễ cuốn. Đối với bún có thể chần sơ với nước sôi để đảm bảo vệ sinh. 
Bước 2: Cuốn gỏi 
Nhúng bánh phở qua nước ấm cho dễ tách, lấy từng miếng bánh phở rồi xếp lần lượt tàu hũ, bắp cải tím, cà rốt, dưa chuột, dứa, rau thơm rồi cuộn lại chặt tay. Làm lần lượt cho tới khi hết.
Bước 3: Làm nước chấm chua ngọt 
Cho vào bát một ít đường, nước chanh, sau đó cho tỏi ớt đã băm nhuyễn vào cùng, cuối cùng là nước mắm chay, khuấy đều.
Bước 4: Trình bày 
Bày gỏi ra dĩa, có thể trang trí cùng rau củ để đẹp mắt hơn và thưởng thức thôi. 

6. Rau củ xào sốt chay

Trong một thực đơn dinh dưỡng thì không thể thiếu một vài món rau ngon. Rau củ xào sốt chay vừa đơn giản, dễ làm nhưng rất đưa miệng.

Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • Đậu hà lan
  • Bắp non
  • Nấm đông cô
  • Cà rốt: nửa củ
  • Hành tím củ
  • Hành lá
  • Gia vị: dầu ăn, hạt nêm, đường
recipe2560 prepare step4 635712544923067892
Rau củ xào chay – Sưu tầm

Công thức chế biến

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu 
Rau củ mua về rửa sạch nhiều lần với nước. Đậu hà lan cắt hai đầu rồi lấy chỉ ở hai bên, bắp non chẻ đôi, cà rốt gọt vỏ rồi thái sợi hoặc cắt thành bông hoa (tùy theo sở thích). Hành tím củ cắt nhỏ, hành lá bỏ đầu cắt thành khúc dài khoảng 3-4cm. Đối với nấm thì ngâm với nước chừng 5 phút cho mềm và nở ra, sau đó thái sợi. 
Bước 2: Chế biến nguyên liệu 
Chảo nóng cho một ít dầu, sau đó cho hành tím vào phi thơm. Khi hành tím chuyển dần sang màu vàng thì cho rau củ lần lượt theo thứ tự bắp non và cà rốt vào đảo đều, sau đó cho nấm và đậu hà lan vào xào cùng. Nêm gia vị vào cho vừa với khẩu vị, sau cùng cho thêm hành lá đảo tầm 2 phút thì tắt bếp.
Bước 3: Trình bày 
Cho thành phẩm ra đĩa, trang trí thêm với một cánh hoa ớt ở trên. 

7. Nấm đùi gà kho gừng chay

Thêm một món rau nữa trong thực đơn ngày Phật Đản để bạn có thêm đa dạng sự lựa chọn: nấm đùi gà kho gừng chay. Nấm là một trong những nguyên liệu quý, cung cấp nhiều dinh dưỡng thay thế cho thực phẩm từ động vật.

Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • Nấm đùi gà
  • Nấm hương khô
  • Đậu hũ chiên
  • Gừng, ớt
  • Gia vị: Nước tương, nước màu, dầu ăn, hạt nêm chay, muối, đường
nam dui ga kho gung
Nấm đùi gà kho gừng – Sưu tầm

Công thức chế biến

Bước 1:  Nấm đùi gà ngâm với nước muối pha loãng khoảng 15 phút rồi rửa sạch lại với nước, cắt bỏ phần chân nấm cứng và cắt miếng vừa ăn. Nấm hương khô ngâm khoảng 2 tiếng trong nước lạnh để nấm nở rồi rửa sạch, cắt nhỏ. Gừng, ớt rửa sạch sau đó thái lát mỏng. 
Bước 2: Làm nước sốt kho 
Cho nước lọc, đường, hạt nêm chay, nước tương vào bát nhỏ rồi khuấy đều. Sau đó thêm vào 1/2 muỗng cà phê nước màu, đảo đều 1 lần nữa cho các nguyên liệu hòa quyện.
Bước 3: Tiến hành kho nấm 
Khi nồi bắt đầu nóng cho một ít dầu ăn vào, sau đó cho một phần gừng vào xào sơ. Tiếp theo cho phần đậu hũ chiên vào đảo đều 1 phút rồi cho phần nước mắm kho đã làm vào, trộn đều. Đun đến khi nước sốt sôi lên, bạn cho phần nấm đùi gà và nấm hương đã cắt vào, đảo đều khoảng 5 - 7 phút cho nước sốt sệt lại. Sau đó cho phần gừng còn lại vào đảo đều. Nêm nếm gia vị lại cho vừa ăn rồi tắt bếp. 
Bước 4: Trình bày
Cho thành phẩm ra đĩa, trang trí với một vài lát ớt mỏng. Nấm đùi gà dai giòn, nấm đông cô thơm tạo ra vị ngon khó cưỡng. 

8. Canh chua nấm chay

Một món canh tạo ra độ hài hòa cho thực đơn. Trong tiết trời mùa hè oi ả thì một bát canh nấm cũng như một cách làm thanh nhiệt cơ thể.

Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • Các loại nấm: nấm linh chi, nấm đông cô, nấm bào ngư
  • Rong biển khô
  • Đậu hũ non
  • Cà rốt
  • Củ cải trắng
  • Gia vị: Hạt nêm chay, đường
cach nau canh chua chay
Canh chua nấm chay – Sưu tầm

Công thức chế biến

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu 
Các loại nấm mua về ngâm với nước sạch pha thêm chút muối khoảng 5 phút, sau đó vớt ra để ráo. Củ cải trắng và cà rốt rửa sạch, gọt vỏ, cắt lát dày khoảng 0.5cm, tỉa hoa. Cắt đậu hũ non thành từng lát dày khoảng 1cm. Rong biển khô đem ngâm với nước cho nở ra, sau đó vớt ra để ráo.
Bước 2: Nấu canh 
Nước lọc cho vào nồi đun sôi. Sau đó cho tất cả nấm cùng với củ cải trắng, cà rốt vào cùng. Trong khi nấu thêm một ít đường và hạt nêm để nước dùng có vị ngọt thanh. Nấu trên lửa nhỏ, sau đó cho rong biển vào, nấu khoảng 5 phút nữa thì tắt bếp.
Bước 3: Trình bày 
Cho canh ra bát, cắt lát đậu hũ non đặt lên trên là hoàn thành. 

9. Giò chay

Trong âm thực Việt Nam thì giò đã trở thành một món ăn vô cùng quen thuộc trong mọi bữa tiệc. Để phù hợp với xu hướng ăn chay thì nhiều người cũng chuyển sang sử dụng giò được làm từ các nguyên liệu thực vật, đặc biệt là khoai sọ. Giò này vừa dai, ngon tròn vị, vừa đảm bảo được vệ sinh. Hapi có phục vụ giò thuần chau, 100% từ khoai sọ, vừa bổ dưỡng, dễ chế biến, phù hợp với mọi thành viên trong gia đình.

145079078 109382841157108 6213490556647210523 n
Giò chay khoai sọ Hapi

10. Cà ri chay

Cà ri là một trong những món truyền thống của Ấn Độ, một trong những nơi được coi là cái nôi của Phật Giáo trên thế giới. Chẳng có lý do gì mà không để món ăn này trong thực đơn ngày Phật Đản để thưởng thức cùng gia đình.

Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • Khoai lang, khoai môn, cà rốt
  • Đậu hũ chiên
  • Nấm đông cô khô
  • Nước cốt dừa, nước dừa
  • Sữa tươi không đườn
  • Hành tây, nấm đùi gà, ớt bột, bột cà ri, dầu màu điều
  • Hành boa-rô băm nhỏ, sả
  • Gia vị: muối, hạt nêm chay, đường
ca ri chay recipe main photo 1
Cà ri chay – Sưu tầm

Công thức chế biến

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Các loại củ bạn rửa sạch, để ráo. Cà rốt, khoai lang, khoai môn gọt vỏ rồi cắt thành những miếng vừa ăn. Hành tây bóc vỏ, thái múi cau. Nấm đùi gà cắt miếng nhỏ. 
Bước 2: Rán qua rau củ quả
Cho dầu vào chảo chờ đến sôi thì cho khoai lang, khoai môn và cà rốt vào rán cho đến khi vàng đều hai mặt thì vớt ra, để ráo dầu.
Bước 3: Xào rau củ 
Cho vào chảo một ít dầu màu điều, hành boa rô băm, sả băm nhuyễn và sả đập dập rồi xào vàng đều. Cho tiếp vào chảo 2 muỗng canh cà ri và 1 muỗng canh ớt bột vào và phi thơm. Khi tất cả các nguyên liệu đã vàng thơm thì đổ phần củ quả vừa chiên vào. Xào đều tay khoảng 3 phút để các loại củ thấm đều gia vị thì tắt bếp.
Bước 4: Nấu cà ri chay 
Cho hết phần rau củ vừa xào vào nồi. Đổ thêm vào khoảng 800ml nước dừa tươi rồi nấu sôi lên. Trong lúc nấu cho thêm một ít muối, hạt nêm chay và đường tùy theo khẩu vị. Khi nồi nấu đã sôi thì để lửa liu riu chừng 5 phút cho các loại rau củ được chín mềm. Sau 5 phút, cho đậu hũ, các loại nấm và hành tây vào. Tiếp tục đun thêm 10 phút nữa. 
Cuối cùng, cho vào nồi cà ri 250ml nước cốt dừa và 150ml sữa tươi không đường. Nêm nếm lại cho hợp khẩu vị rồi chờ cho nồi cà ri vừa sôi trở lại thì tắt bếp liền. Sau đó, múc ra tô và ăn kèm với bánh mì hoặc bún.

11. Mì xào chay

Nếu như muốn lười một chút thì mì xào chay sẽ là một món dành cho bạn trong thực đơn ngày Phật Đản này nhé. Dù là mì nhưng rất đầy đủ rau củ để không bị nóng.

Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • Mì tươi (mì trứng hoặc mì gói)
  • Cà chua bi
  • Cà rốt
  • Hành boa rô
  • Nấm bào ngư
  • Giá đỗ
1 1200x676 12
Mỳ xào chay – Sưu tầm

Công thức chế biến

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu 
Rau củ rửa sạch nhiều lần với nước. Cà rốt gọt vỏ rồi thái thành từng sợi nhỏ. Cà chua bi rửa sạch rồi cắt làm đôi. Hành boa rô rửa sạch rồi cắt lấy phần đầu hành đem băm nhỏ. Hành lá và cần tây thì bỏ đầu rồi cắt thành từng đoạn chừng 3-4cm. Nấm bạn nên ngâm qua với nước chừng 10 phút, vớt ra để ráo rồi xé thành từng miếng vừa ăn.
Đối với mì, chuẩn bị một nồi nước sôi, cho thêm một ít dầu ăn, nước sôi thì cho mì vào trụng qua chừng 3 phút. Vớt mì ra cho vào một bát nước đá để mì giữ được độ dai.
Bước 2: Tiến hành xào mì 
Cho vào chảo một ít dầu ăn, dầu sôi cho hành boa rô băm nhuyễn vào phi thơm. Sau đó cho mì vào xào đều tay, trong khi xào thì cho thêm 2 muỗng canh nước lọc vào rồi trộn tiếp, sau đó nêm nếm một ít hạt nêm, đường và tiêu và tiếp tục đảo đều. Xào mì khoảng 3-5 phút thì cho mì ra một bát lớn để riêng. 
Tiếp tục cho hành boa rô còn lại vào phi thơm, cho nấm vào xào trước rồi đến cà rốt. Sau khi xào được 6 phút thì cho cà chua bi và giá đỗ vào xào chung. 
Cuối cùng cho rau củ và chung với bát đựng mì đã xào rồi trộn đều tay là hoàn thành. Trang trí thêm với cà chua bi để thêm đẹp mắt. 

12. Nộm rau má chay

Các món nộm cũng là một trong những sự lựa chọn thú vị cho thực đơn ngày Phật Đản cho gia đình. Nộm cũng mang đầy đủ những hương vị chua cay mặn ngọt vừa vặn. Đặc biệt rau má lại có nhiều công dụng tốt trong việc thanh nhiệt cho mùa hè này.

Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • Rau má
  • Đậu phụ tươi
  • Nấm rơm
  • Ớt sừng
  • Cà chua
  • Hành củ
  • Rau thơm
  • Đậu phộng
  • Gia vị: Hạt nêm chay, dấm ngon, đường, nước tương chay, dầu ăn
cach lam nom rau ma 7
Nộm rau má chay – Sưu tầm

Công thức chế biến

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu 
Rau má nhặt sạch các lá bị hỏng, rửa sạch với nước rồi để ráo. Cà chua cắt thành từng múi vừa ăn. Nấm rơm cắt phần chân đen ở dưới sau đó ngầm chừng 20 phút trong một chậu nước muối rồi vớt ra để ráo. Hành củ bóc vỏ thái lát.  Đậu phụ tươi cắt thành từng miếng nhỏ vừa ăn. 
Bước 2: Chế biến nước sốt 
Cho đường, ớt, nước tương, dấm vào một bát to và khuấy đều. Nêm nếm gia vị vừa theo khẩu vị của gia đình.
Bước 3: Chế biến các nguyên liệu
Cho một ít dầu vào chảo đang nóng, sau đó cho đậu phụ vào chiên với lửa nhỏ để vàng đều hai mặt. Vớt đậu ra để ráo dầu. Tiếp tục cho một ít dầu vào chảo, cho hành vào phi thơm vàng rồi cho đậu phụ,, cà chua, nấm rơm vào cùng và đảo đều tay. Nêm nếm một chút đường và hạt nêm để nguyên liệu được đậm đà. Đảo đều cho đến khi được một hỗn hợp sệt thì tắt bếp.
Bước 4: Trộn nộm
Cho hỗn hợp vừa chế biến vào một cái bát lớn, cho rau má, rau thơm thái nhỏ đã ráo nước vào cùng và cuối cùng là nước sốt. Dùng đũa hoặc tay để trộn đều hỗn hợp trên. 
Bước 5: Trình bày
Cho nộm ra đĩa, rải thêm một ít đậu phộng rang để tạo thêm vị bùi cho món nộm 

13. Súp bí đỏ

Một món súp khai vị cũng có thể là một sự lựa chọn không tồi cho thực đơn gia đình hôm nay. Súp bí đỏ kem tươi thơ ngậy, bổ dưỡng, phù hợp với mọi thành viên.

Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • Bí đỏ
  • Hành tây
  • Khoai tây
  • Kem tươi
  • Gia vị: bơ, tiêu, muối
thanh pham 41
Súp bí đỏ – Sưu tầm

Công thức chế biến

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu 
Bí gọt bỏ vỏ, rửa sạch với nước sau đó cắt thành từng miếng nhỏ. Khoai tây, hành tây bỏ vỏ, rửa sạch thái hạt lựu. Tỏi, gừng bỏ vỏ rửa sạch sau đó băm nhỏ.
Bước 2: Chế biến nguyên liệu 
Đặt chảo lên bếp, cho bơ vào chảo đun đến khi bơ tan chảy hết. Tiếp đến, bạn cho tỏi và gừng đã băm nhỏ vào phi vàng. Tiếp đến, bạn cho lần lượt hành tây, khoai tây và bí đỏ vào xào, đảo đều tay trong vòng 1 phút.
Bước 3: Nấu súp
Sau khi xào sơ nguyên liệu, bạn cho khoảng 400-500ml nước vào nồi hầm cho khoai tây và bí đỏ đến khi chín nhừ thì tắt bếp. Để hỗn hợp đã hầm nguội hẳn, tiếp tục cho toàn bộ hỗn hợp vào máy xay sinh tố xay nhuyễn hỗn hợp.
Bước 4: Trình bày 
Đổ hỗn hợp đã xay nhuyễn vào nồi nấu sôi 1 lúc. Sau đó nêm muối, hạt tiêu sao cho vừa miệng. Sau khi nồi súp sôi lại lần nữa, cho kem tươi vào nồi. Sau đó dùng thìa khuấy đều hỗn hợp là hoàn thành. Múc súp ra tô và trang trí bằng húng quế, rau ngò và một chút hạt tiêu đen ở bên trên.

14. Chè vải hạt sen

Một món chè để cho thực đơn ngày Phật Đản thêm phần hài hòa. Một thực đơn thì cũng không thể thiếu một món trang miệng tuyệt vời.

Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • 350g vải thiều chín
  • 200g hạt sen
  • 50g đường kính trắng
  • 1 lon nước cốt dừa
  • 1 ít bột năng
che trai vai hat sen recipe main photo 1
Chè vải hạt sen – Sưu tầm

Công thức chế biến

Bước 1: Sơ chế vải thiều 
Vải thiều mua về, rửa sạch, bóc vỏ và tách hạt. Nếu bạn không có dụng cụ chuyên dụng để tách hạt, có thể thử với mẹo sau. Dùng một cây kéo đã rửa sạch cắt bốn góc ở phần cùi quả vải, sau đó bạn đã dễ dàng lấy hạt vải ra. Bước này cần khéo léo nếu không sẽ làm vỡ phần thịt vải. Để vải không bị ngả màu nâu, vải tách ra cho ngâm cùng với nước đá lạnh để vải có độ giòn và giữ màu sắc.
Bước 2: Sơ chế hạt sen
Với hạt sen tươi, bạn chỉ cần rửa thật sạch, sau đó nấu hạt sen từ 8 - 10 phút để sen chín vừa, không nấu quá lâu hạt sen sẽ bị nát. Với hạt sen khô, khi mua về rửa thật sạch, ngâm với nước lạnh khoảng 5 phút, sau đó nấu 15p để hạt sen nở và chín vừa.
Trước khi vớt hạt sen khoảng 4 phút thì cho thêm một chút đường vào nước để hạt sen có vị ngọt. Sau đó vớt một nửa số hạt sen có trong nồi ra ngoài.
Bước 3: Số hạt sen sau khi vớt ra thì nhét vào trong thịt vải đã sơ chế ở bước 1.
Bước 4: Nấu chè
Cho vải đã nhồi hạt sen vào trong nồi đang chứa nửa số hạt sen còn lại. Có thể thêm một ít nước sôi nếu bạn thấy nước trong nồi còn ít. Pha 2 muỗng cà phê bột năng cùng 1 bát nhỏ nước, sau đó đổ dần vào trong nồi chè để tạo độ sánh nhất định. Đun sôi lăn tăn tầm 2 phút thì tắt bếp. Tùy khẩu vị để thêm đường.
Bước 5: Trình bày
Nếu bạn là người thích ăn mát thì chè nấu xong có thể để nguội trong tủ lạnh. Múc vải và hạt sen ra bát, thêm một ít nước cốt dừa rưới lên trên, sau đó thêm một ít đá là đã có ngay một bát chè vải hạt sen vừa ngon vừa mát, đánh bay cơn nóng ngày hè.

15. Kem bơ mát lạnh

Kết thúc cho thực đơn ngày Phật Đản là một món kem bơ mát lạnh xoa dịu đi cái nắng của tiết trời mùa hè.

Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • Nước cốt dừa
  • Sữa đặc
  • Wripping cream
  • Sữa tươi (có đường hoặc không đường tùy theo khẩu vị của mỗi người)
  • Đường
cach lam kem bo
Kem bơ mát lạnh – Sưu tầm

Công thức chế biến

Bước 1: Bơ được mua về rửa sạch, sau đó tách vỏ. Cắt thịt bơ thành từng miếng nhỏ để dễ xay
Bước 2: Cho phần bơ đã cắt vào máy xay sinh tố cùng với 3 muỗng canh nước cốt dừa, 150ml sữa tươi, nửa lon sữa đặc rồi xoay nhuyễn hỗn hợp trong khoảng 5 phút.
Bước 3: Cho vào tô 200ml whipping cream, 1 muỗng canh đường rồi dùng máy đánh trứng đánh bông hỗn hợp lên. Sau đó đổ phần hỗn hợp bơ đã xay nhuyễn vào hỗn hợp whipping cream rồi dùng phới dẹt trộn cho đến khi hỗn hợp sánh mịn.
Bước 4: Đổ hỗn hợp kem bơ vừa thực hiện vào khuôn hoặc hộp đựng nhà mình, sau đó để vào ngăn đá tủ lạnh khoảng 8 tiếng là có thể thưởng thức.
Bước 5: Để kem bơ được thơm ngon cũng như đẹp mắt hơn thì có thể trang trí cùng một ít chocolate, một ít vụn dừa khô cũng rất tuyệt.
158447897 1432366687114140 8680624213776445197 n 1
Một góc bình yên tại Địa Tạng Phi Lai Tự – Sưu tầm

Vậy đã đi qua hết 15 món của thực đơn ngày Phật Đản. Hapi hi vọng rằng với những gợi ý này, bạn và gia đình sẽ có một ngày lễ Phật Đản thật an lành và đặc biệt là luôn đảm bảo sức khỏe!